Categories: Công Nghệ

Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm Quý II năm 2023

Published by
Nguyễn Phùng Phong

Theo báo cáo Giám sát việc làm trên thế giới tháng 5/2023, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định các cú sốc và rủi ro toàn cầu đang kìm hãm sự phục hồi của thị trường lao động, đặc biệt là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Tại các nước đang phát triển, việc ứng phó với nhiều cuộc khủng hoảng hiện nay (hay còn gọi là “đa khủng hoảng”) bị hạn chế bởi sự kết hợp giữa lạm phát cao và lãi suất cao, cùng với khó khăn về nợ ngày càng tăng. Triển vọng của thị trường lao động toàn cầu vẫn còn rất bấp bênh. Để ổn định và củng cố thị trường lao động, cần có các chính sách, biện pháp để giải quyết những khó khăn, thách thức hiện nay, nếu không sẽ ảnh hưởng tiêu cực kéo dài đến tăng trưởng và phát triển kinh tế – xã hội.

Trong nước, lực lượng lao động, lao động đang làm việc quý II năm 2023 tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước nhưng thị trường lao động việc làm vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức chủ yếu do các doanh nghiệp thiếu đơn hàng sản xuất; tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động tăng so với quý trước nhưng giảm so với cùng kỳ năm trước; tình trạng lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn ở quý II năm 2023, có xu hướng chuyển dịch sang khu vực phi chính thức cho thấy thị trường lao động việc làm phục hồi nhưng chưa thực sự bền vững.

1. Lực lượng lao động

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II năm 2023 là 52,3 triệu người, tăng hơn 100 nghìn người so với quý trước và 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở khu vực thành thị và khu vực nông thôn đều tăng nhẹ (tăng tương ứng là 88 nghìn người và 19 nghìn người), lực lượng lao động nữ tăng gần 300 nghìn người, trong khi đó lực lượng lao động nam giảm 179 nghìn người.

Hình 1: Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên các quý, giai đoạn 2020 – 2023

Đơn vị tính: Triệu người

Tốc độ tăng lực lượng lao động so với quý trước đạt mức cao (3,4%) vào quý IV năm 2021 – ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Năm 2022, tốc độ tăng lực lượng lao động có xu hướng giảm dần từ 0,9% (quý I và quý II năm 2023) xuống còn 0,5% vào quý III và quý IV năm 2022. Đến năm 2023, con số này tiếp tục giảm và duy trì tại mức 0,2%.

Hình 2: Tốc độ tăng lực lượng lao động so với quý trước, giai đoạn 2021 – 2023

Đơn vị tính: %

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý II năm 2023 là 68,9%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nữ giới là 63,1%, nam giới là 75,0%; khu vực thành thị là 65,5%, khu vực nông thôn là 71,0%. Quan sát theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở các nhóm tuổi rất trẻ và nhóm tuổi già, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị: 31,6%; nông thôn: 48,0%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị: 38,1%; nông thôn: 47,4%).

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ quý II năm 2023 là 26,8%, tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước (tăng lần lượt 0,4% và 0,6%). Như vậy, tính đến quý II năm 2023, cả nước vẫn còn đến 38,3 triệu người lao động chưa qua đào tạo. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động, việc xây dựng các chương trình chính sách đào tạo cụ thể là nhu cầu cấp thiết trong thời gian tới.

2. Lao động đang làm việc

Áp lực sa thải lao động từ các doanh nghiệp tạo ra sự chuyển dịch mạnh lao động từ khu vực công nghiệp và xây dựng sang khu vực dịch vụ. Lao động phi chính thức ở khu vực dịch vụ tăng mạnh.

Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc theo khu vực thành thị, nông thôn và giới tính

Lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc quý II năm 2023 đạt gần 51,2 triệu người, tăng 83,3 nghìn người so với quý trước và tăng 691,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực thành thị là 19,0 triệu người (chiếm 37,1%), tăng 65,2 nghìn người so với quý trước và tăng 323,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 32,2 triệu người, tăng 18,0 nghìn người và tăng 367,8 nghìn người.

Lao động 15 tuổi trở lên đang làm việc theo khu vực kinh tế

Trong quý II năm 2023, cơ cấu lao động chuyển dịch mạnh từ khu vực công nghiệp và xây dựng sang khu vực dịch vụ. Lao động trong khu vực dịch vụ là 20,3 triệu người, chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,7% (tăng 0,6 điểm phần trăm) và tăng 349,0 nghìn người so với quý trước; lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 17,1 triệu người, chiếm 33,4% (giảm 0,5 điểm phần trăm) và giảm 242 nghìn người so với quý trước; lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 13,8 triệu người, chiếm 27,0% (giảm 0,1 điểm phần trăm) và giảm 23,8 nghìn người so với quý trước.

Hình 3: Số người có việc làm phân theo khu vực kinh tế, quý II các năm 2019-2023 và quý I năm 2023

Đơn vị tính: Triệu người

Thực trạng các đơn hàng giảm đã tác động đến lao động trong khu vực công nghiệp đặc biệt là ngành dệt may, ngành chế biến gỗ và ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Số lao động ở các ngành này trong quý II năm 2023 đều giảm so với quý trước lần lượt là 142,5 nghìn người, 16,9 nghìn người và 30,2 nghìn người.

Lao động có việc làm phi chính thức

Số người lao động đang làm việc có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động phát triển chưa bền vững khi số lao động có việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng lớn. Số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản)[1] trong quý II năm 2023 là 33,3 triệu người, tăng 301,9 nghìn người so với quý trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức quý II năm 2023 là 65,1%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với quý trước và chủ yếu tăng ở khu vực thành thị và nữ giới (tỷ lệ lao động phi chính thức ở khu vực thành thị tăng 0,7 điểm phần trăm và ở nữ tăng 0,8 điểm phần trăm). Tỷ lệ lao động phi chính thức tăng lên ở hầu hết các vùng kinh tế – xã hội, đặc biệt ở hai vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ, tỷ lệ lao động phi chính thức của hai vùng này lần lượt là 55,8% và 47,5%, tương ứng tăng lần lượt là 0,4 và 1,9 điểm phần trăm so với quý trước.

Lao động trong khu vực dịch vụ vẫn tiếp tục tăng mạnh trong quý II năm 2023, tuy nhiên lao động phi chính thức trong khu vực này cũng tăng khá mạnh. Số lao động phi chính thức ở khu vực dịch vụ là 11,6 triệu người, tăng 498,9 nghìn người so với quý trước. Tỷ lệ lao động ở khu vực này trong quý II năm 2023 là 57,1%; tăng 1,5 điểm phần trăm so với quý trước. Như vậy, có thể thấy việc nhiều doanh nghiệp công nghiệp cắt giảm lao động do thiếu đơn hàng đã làm giảm số lao động trong khu vực công nghiệp, tuy nhiên những lao động này có xu hướng chuyển dịch sang khu vực dịch vụ và chấp nhận làm công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định.

3. Lao động thiếu việc làm

Tỷ lệ thiếu việc làm quý II năm 2023 tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước, lao động ở vùng Đông Nam Bộ chịu tác động nhiều nhất.

Thị trường lao động việc làm quý II năm 2023 không duy trì được đà phục hồi và khởi sắc như trong các quý đầu năm 2022. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi[2]quý II năm 2023 khoảng 940,7 nghìn người, tăng 54,9 nghìn người so với quý trước và tăng 58,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý này là 2,06%, tăng 0,12 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,10 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị quý II/2023 là 1,66% thấp hơn so với khu vực nông thôn (2,31%). So với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực nông thôn giảm 0,03 điểm phần trăm và giảm 0,01 điểm phần trăm, trong khi đó khu vực thành thị tăng 0,35 điểm phần trăm và tăng 0,29 điểm phần trăm.

Hình 4: Số người và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động theo quý, giai đoạn 2020-2023

Trong quý II năm 2023, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi cao nhất thuộc về vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 3,01% và thấp nhất thuộc về vùng Đồng bằng sông Hồng với 1,03%. So với quý trước, tỷ lệ này giảm duy nhất ở vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, trong khi đó năm vùng còn lại tỷ lệ thiếu việc làm đều tăng. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này tăng ở ba vùng Đông Nam Bộ với 0,65 điểm phần trăm, Đồng bằng sông Hồng với 0,41 điểm phần trăm, Tây Nguyên với 0,02 điểm phần trăm; ba vùng kinh tế – xã hội còn lại đều chứng kiến sự sụt giảm của tỷ lệ thiếu việc làm. Như vậy, lao động ở vùng Đông Nam Bộ là vùng tập trung nhiều khu công nghiệp quy mô lớn (thường có tỷ lệ thiếu việc làm thấp nhất cả nước trong điều kiện bình thường) tiếp tục chịu ảnh hưởng của tình trạng thiếu việc làm từ quý I năm 2023 do tập trung nhiều doanh nghiệp lớn bị cắt giảm đơn hàng.

Hình 5: Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động theo vùng kinh tế – xã hội, quý II năm 2022, quý I và quý II năm 2023

Đơn vị tính: %

Trong tổng số 940,7 nghìn người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ở quý II năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là khu vực có tỷ trọng thiếu việc làm cao nhất với 42,2% (tương đương với 397,1 nghìn người thiếu việc làm); tiếp theo là khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 29,2% (tương đương 274,3 nghìn người); khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp nhất với 28,6% (tương đương 269,3 nghìn người). So với cùng kỳ năm trước, chỉ có khu vực công nghiệp và xây dựng có số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi tăng (tăng 97,3 nghìn người), trong khi đó, ở khu vực nông, lâm, nghiệp và thủy sản và khu vực dịch vụ đều giảm (giảm 30,4 nghìn người và giảm 8,0 nghìn người).

4. Thu nhập bình quân của lao động

Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II/2023 là 7,0 triệu đồng, giảm 79 nghìn đồng so với quý I/2023 và tăng 355 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,37 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8,0 triệu đồng so với 5,8 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,40 lần khu vực nông thôn (8,5 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).

Thu nhập bình quân của người lao động trong quý II năm nay giảm so với quý trước, đây là xu hướng quan sát thường thấy trong các năm gần đây (từ năm 2019-2021). Thu nhập của lao động quý II thường giảm so với quý I do các khoản thu nhập phụ trội bổ sung từ tiền làm thêm cuối năm vàtiền thưởng dịp Tết Nguyên đán thường được chi trả chủ yếu trong quý I.

So với cùng kỳ năm 2022, đời sống của người lao động quý này được cải thiện chậm hơn. Mặc dù, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, nhưng tốc độ tăng thu nhập giảm gần một nửa so với tốc độ tăng của quý II năm 2022 (Tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động quý II/2023 so với cùng kỳ năm 2022 là 5,4%, trong khi tốc độ tăng thu nhập bình quân của quý II/2022 so với cùng kỳ năm 2021 là 8,9%).

Hình 6: Thu nhập bình quân tháng của lao động và Tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng của lao động quý II so với cùng kỳ năm trước, giai đoạn 2020-2023

Thu nhập bình quân của người lao động theo vùng kinh tế – xã hội

So với cùng kỳ năm 2022, quý II năm nay thu nhập bình quân của người lao động tại các vùng kinh tế – xã hội tăng, tuy nhiên, tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động tại các vùng thấp hơn so với tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động quý II/2022 so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, đời sống của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ được cải thiện chậm nhất trong 6 vùng kinh tế – xã hội. Quý II/2023, thu nhập bình quân của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ là 8,6 triệu đồng, chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022, tăng thấp nhất so với các vùng còn lại, và cũng là vùng ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân giảm mạnh nhất (giảm gần 5 lần) so với tốc độ tăng thu nhập của lao động quý II/2022 so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 6,0%).

Quý II/2023, thu nhập bình quân của lao động tại Đồng bằng sông Hồng là 8,1 triệu đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn 2 lần tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động quý II/2022 so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 11,4%). Quý II/2023 chứng kiến lao động làm việc tại một số địa phương có tốc độ tăng thu nhập bình quân khá như Thái Bình, Ninh Bình, so với cùng kỳ năm 2022, tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động tại hai tỉnh này lần lượt là 10,5% và 6,2%. Trong khi đó, một số địa phương như Bắc Ninh, Hải Dương tập trung nhiều khu công nghiệp lại chứng kiến sự sụt giảm thu nhập bình quân của lao động, mức thu nhập bình quân của lao động tại hai tỉnh này lần lượt là 8,1 triệu đồng/người/tháng, 7,2 triệu đồng/người/tháng, giảm lần lượt tương ứng là 3,3% và 3,0% so với cùng kỳ năm 2022.

Hình 7: Thu nhập bình quân tháng của người lao động theo vùng kinh tế – xã hội, quý II, năm 2021-2023

Đơn vị tính: Triệu đồng

Thu nhập bình quân của người lao động theo khu vực kinh tếSo với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của lao động quý này tại ba khu vực kinh tế đều tăng lên, trong đó, thu nhập bình quân của lao động tại khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận tốc độ tăng được cao nhất. Trong khi đó, tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động tại hai khu vực công nghiệp, xây dựng dịch vụ chậm lại, thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng thu nhập của cùng kỳ năm 2022. Quý II/2023, thu nhập bình quân của lao động tại khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 4,1 triệu đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,6%). Lao động làm việc tại khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân là 8,2 triệu đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 1,7 lần tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2022 (tăng 8,7%). Thu nhập bình quân của lao động làm việc tại khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,8 triệu đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp gần 3 lần tốc độ tăng thu nhập của lao động cùng kỳ năm 2022.

Hình 8: Tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng của người lao động theo khu vực kinh tế, quý II so với cùng kỳ năm trước, giai đoạn 2020-2023

Đơn vị tính: %

Thu nhập bình quân của người lao động theo ngành kinh tế

Quý II/2023 so với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của lao động làm việc trong một số ngành kinh tế tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng thu nhập của lao động chậm lại so với tốc độ tăng thu nhập của cùng kỳ năm 2022 như: lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thu nhập bình quân là 7,7 triệu đồng, tăng 4,3%, tương ứng tăng 316 nghìn đồng (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,4%, tương ứng tăng 818 nghìn đồng so với quý II/2021). Thu nhập bình quân của lao động ngành dich vụ, lưu trú và ăn uống là 6,6 triệu đồng, tăng 6,4%, tương ứng tăng 395 nghìn đồng (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8%, tương ứng tăng 572 nghìn đồng). Lao động làm việc trong ngành vận tải kho bãi có thu nhập bình quân là 9,6 triệu đồng, tăng 7,6%, tương ứng tăng 679 nghìn đồng (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,9%, tương ứng tăng 798 nghìn đồng so với quý II/2021).

Bên cạnh đó, quý II/2023, hoạt động ngành tài chính, ngân hàng trở lên sôi động hơn, thu nhập của người lao động ngành này có tốc độ tăng lên khá. Thu nhập bình quân của lao động ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 11,2 triệu đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 751 nghìn đồng (cùng kỳ năm 2022 chỉ tăng 1,2%, tương ứng tăng 122 nghìn đồng). Ngược lại, thu nhập của lao động trong ngành hoạt động kinh doanh bất động sản tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm, với mức thu nhập bình quân là 10,5 triệu đồng, giảm 2,1%, tương ứng giảm 228 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,1%, tăng tương ứng 327 nghìn đồng so với quý II/2021).

5. Thất nghiệp của lao động trong độ tuổi

So với quý trước, thất nghiệp quý II tăng cả về số lượng và tỷ lệ. Thị trường lao động Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Ước tính mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu sẽ giảm 0,1 điểm phần trăm trong năm 2023. Điều này có nghĩa là số người thất nghiệp trên toàn cầu sẽ giảm đi 1 triệu người, do khả năng phục hồi thị trường lao động nhanh hơn dự đoán ở các nước có thu nhập cao. Kinh tế trên thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, triển vọng của thị trường lao động toàn cầu bấp bênh. Để ổn định và củng cố thị trường lao động, cần có các chính sách, biện pháp giải quyết những thách thức hiện nay, nếu không sẽ ảnh hưởng tiêu cực kéo dài đến tăng trưởng và phát triển bền vững[3].

Thị trường lao động Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo như đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga và U-crai-na và tổng cầu thế giới suy giảm làm cho nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2023 khoảng 1,07 triệu người, tăng 25,4 nghìn người so với quý trước và tăng 1,9 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II năm 2023 là 2,30%, tăng 0,05 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của khu vực thành thị tiếp tục duy trì dưới 3% (quý II năm 2022 là 2,98%, quý I năm 2023 là 2,66% và quý II năm 2023 là 2,75%).

Hình 9: Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo quý, giai đoạn 2020-2023

Trong quý II năm 2023, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng Đông Nam Bộ là hai vùng có tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao nhất cả nước, tương ứng là 2,65% và 2,64%. So với quý trước, tỷ lệ này ở hai vùng trên tăng lên, cùng tăng 0,01 điểm phần trăm. Thành phố Hồ Chí Minh với tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý này là 3,71%, tăng 0,49 điểm phần trăm so với quý trước, trong khi Hà Nội tỷ lệ này là 1,23%, giảm 0,50 điểm phần trăm so với quý trước.

Tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý IV năm 2022 và tiếp tục tiếp diễn sang quý II năm 2023, dẫn đến hàng trăm ngàn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động. Cụ thể, theo báo cáo nhanh từ các địa phương cho biết số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý II năm nay[4] là khoảng 241,5 nghìn người, giảm 52,5 nghìn người so với quý trước, trong đó đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 84,1%), tập trung chủ yếu ở ngành da giày với 66,3%, tiếp theo là dệt may với 14,4%; và tập trung chủ yếu ở một số tỉnh như Bắc Giang (9,3 nghìn người), Bình Dương (9,8 nghìn người), Quảng Ngãi (10,3 nghìn người), Tiền Giang (11,9 nghìn người), Bình Phước (17,0 nghìn người), Ninh Bình (19,8 nghìn người), Thanh Hóa (98,3 nghìn người).

Số lao động bị mất việc trong quý II năm 2023 là 217,8 nghìn người. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ (chiếm tỷ trọng lần lượt là 16,8%; 14,1%; 14,8% và 6,1%) và chủ yếu tập trung ở một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất như Bình Dương (khoảng 83,2 nghìn người), Thành phố Hồ Chí Minh (khoảng 30,4 nghìn người), Bắc Ninh (khoảng 10,7 nghìn người), Bắc Giang (khoảng 9,3 nghìn người),…

So với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi) và tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo giảm.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý II năm 2023 là 7,41%, giảm 0,20 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,22 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 9,60%, cao hơn 3,31 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn. So với quý trước và cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này tăng ở khu vực thành thị, tương ứng tăng 0,14 và 0,47 điểm phần trăm và giảm ở khu vực nông thôn, tương ứng giảm 0,36 và 0,54 điểm phần trăm.

Trong quý II năm 2023, cả nước có hơn 1,4 triệu thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo (chiếm 11,3% tổng số thanh niên), giảm 96,6 nghìn người so với quý trước và giảm 40,4 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở khu vực nông thôn cao hơn khu vực thành thị, 12,6% so với 9,2% và ở nữ thanh niên cao hơn so với nam thanh niên, 12,8% so với 9,8%. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này giảm cả ở khu vực thành thị, nông thôn và nữ (tương ứng giảm 0,1; 0,7 và 0,9 điểm phần trăm) và không thay đổi đối với nam.

So với quý trước, tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở hầu hết các vùng kinh tế -xã hội đều giảm, trừ vùng Tây Nguyên. Tỷ lệ thanh niên không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo ở Thành phố Hồ Chí Minh trong quý II năm 2023 là 8,6%, cao hơn 2,1 lần so với Hà Nội, so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ ở Thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,9 điểm phần trăm, trong khi đó ở Hà Nội giảm 2,5 điểm phần trăm.

Hình 10: Tỷ lệ thanh niên 15-24 tuổi không có việc làm và không tham gia học tập, đào tạo theo vùng kinh tế-xã hội, quý II năm 2022 và quý I, quý II năm 2023

Đơn vị tính: %

6. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng[5] là chỉ tiêu tổng hợp cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường; phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại. Tỷ lệ này thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế – xã hội.

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam thường dao động ở mức 4%. Tỷ lệ này tăng rất nhanh từ thời điểm quý I năm 2020 và đạt mức cao kỷ lục là 10,4% vào quý III năm 2021. Khi các hoạt động kinh tế – xã hội được khôi phục, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhanh từ 10,4% xuống còn 3,9% vào quý IV năm 2022. Tỷ lệ này có dấu hiệu tăng trở lại vào quý I năm 2023 (4,5%) và giữ mức 4,3% vào quý II năm 2023 (tương ứng với khoảng 2,2 triệu người).

Hình 11: Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng theo quý, giai đoạn 2019-2023

Đơn vị tính: %

Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng quý II năm 2023 của khu vực thành thị và khu vực nông thôn đều là 4,3%. So với quý trước, tỷ lệ này ở khu vực thành thị tăng 0,1 điểm phần trăm và khu vực nông thôn giảm 0,4 điểm phần trăm. Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người từ 15-34 tuổi (51,7%) cao hơn rất nhiều so với tỷ trọng lao động nhóm tuổi này trong lực lượng lao động (33,3%). Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ.

Hình 12: Cơ cấu tuổi của lực lượng lao động và lao động không sử dụng hết tiềm năng, quý II năm 2023

Đơn vị tính: %

7. Lao động làm công việc tự sản, tự tiêu

Lao động làm công việc tự sản, tự tiêu là lao động sản xuất ra sản phẩm với mục đích chủ yếu để cá nhân, gia đình sử dụng. Quyết định về sản xuất của lao động tự sản tự tiêu chủ yếu hướng về bản thân và gia đình nên thường đặc trưng bởi tính khép kín, tính phi lợi nhuận đi kèm với hiệu quả thấp và năng suất không cao. Đối với nước đang phát triển như Việt Nam, số người làm các công việc này trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng vẫn còn khá cao. Con số này dao động từ 3-4 triệu người và đạt mức cao kỷ lục là 5,2 triệu người vào quý IV năm 2021 do giãn cách xã hội và diễn biến phức tạp của Covid-19, lao động rời bỏ thành thị để trở về nông thôn làm các công việc tự sản tự tiêu. Sau khi mở cửa kinh tế, nhóm lao động này dần dần rời bỏ công việc tự sản tự tiêu để tìm kiếm các công việc ổn định và có thu nhập tốt hơn làm tỷ lệ này giảm dần qua các quý. Đây cũng là xu thế tất yếu của kinh tế thị trường.

Từ quý III năm 2021 trở lại đây, số lao động làm công việc tự sản tự tiêu liên tục giảm dần qua các quý, con số này của quý II năm 2023 là 3,9 triệu người, tiếp tục giảm 60 nghìn người so với quý trước và giảm 0,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước, số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn. Gần hai phần ba số người sản xuất sản phẩm tự sản tự tiêu quý II năm 2023 là nữ giới (chiếm 62,9%). Trong tổng số 3,9 triệu lao động sản xuất tự sản tự tiêu, có khoảng gần 2 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 50,7%). Hầu hết tất cả lao động sản xuất tự sản tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng cũng như nền kinh tế có dấu hiệu suy thoát và thiếu tính ổn định, cơ hội để nhóm lao động này tìm kiếm được công việc tốt là rất khó khăn.

Hình 13: Lao động làm công việc tự sản tự tiêu các quý, giai đoạn 2020 – 2023

Đơn vị tính: Triệu người

[1] Lao động có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong khu vực hộ nông lâm nghiệp và thủy sản) là những người có việc làm và thuộc một trong các trường hợp sau: (i) lao động gia đình không được hưởng lương, hưởng công; (ii) người chủ của cơ sở, lao động tự làm trong khu vực phi chính thức (iii) người làm công hưởng lương không được ký hợp đồng lao động hoặc được ký hợp đồng có thời hạn nhưng không được cơ sở tuyển dụng đóng bảo hiểm xã hội theo hình thức bắt buộc; (iv) xã viên hợp tác xã không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; (iv) lao động trong khu vực hộ nông nghiệp.

[2] Theo quy định tại Bộ Luật Lao động năm 2019, trong độ tuổi lao động bao gồm: nam từ 15 đến 59 và nữ từ 15 đến 54 (từ năm 2020 trở về trước); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 3 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 4 tháng (năm 2021); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 6 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 55 tuổi 8 tháng (năm 2022); nam từ 15 đến chưa đủ 60 tuổi 9 tháng và nữ từ 15 đến chưa đủ 56 tuổi (năm 2023).

[3] Báo cáo đánh giá của ILO về thế giới việc làm, Ấn phẩm số 11.

[4] Số lao động mất việc tại các doanh nghiệp quý IV năm 2022 và quý I năm 2023 tương ứng là 118 nghìn người và 149 nghìn người. Số liệu quý II năm 2023 tổng hợp từ ngày 1/4/2023 đến 15/6/2023.

[5] Lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đủ công việc (hay còn gọi là lao động không sử dụng hết tiềm năng) bao gồm những người thất nghiệp, thiếu việc làm và một nhóm ngoài lực lượng lao động sẵn sàng làm việc nhưng không tìm việc hoặc có tìm việc nhưng chưa sẵn sàng làm việc ngay. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là tỷ số giữa lao động có nhu cầu làm việc nhưng không được đáp ứng đầy đủ công việc so với tổng số lao động có nhu cầu làm việc trong nền kinh tế.

Tác giả

  • Chủ tịch liên minh Siêu Trí Nhớ toàn cầu tại Việt Nam THẦY NGUYỄN PHÙNG PHONG “Siêu Trí Nhớ Học Đường là một chương trình lý thú và hấp dẫn mà tôi đã đúc kết được từ những phương pháp học tập lĩnh hội từ những người thầy nổi tiếng trên thế giới như: Tony Buzan, Dominic O’Brien, Biswaroop, Erant Katz… Chính các phương pháp đầy kinh nghiệm và sáng tạo đã giúp tôi chinh phục thành công các Kỷ lục Siêu trí nhớ Việt Nam, Kỷ Lục Siêu trí nhớ thế giới giúp cho con tôi học tập nhẹ nhàng và các học trò của tôi có cơ hội tỏa sáng tại các cuộc thi: Siêu trí tuệ, Siêu tài năng nhí, Siêu trí nhớ trong nước và quốc tế. Chương trình cũng giúp cho hàng trăm ngàn bạn trẻ khắp nơi biết cách học nhanh, nhớ lâu. Bây giờ thì đến lượt con bạn rồi đó. Hãy nhanh chóng tạo điều kiện cho cháu sở hữu ngay những phương pháp học tập tuyệt vời để việc thu nhận kiến thức trở nên đơn giản, nhẹ nhàng hơn”

This post was last modified on Tháng tám 19, 2024 4:45 sáng

Nguyễn Phùng Phong

Chủ tịch liên minh Siêu Trí Nhớ toàn cầu tại Việt Nam THẦY NGUYỄN PHÙNG PHONG “Siêu Trí Nhớ Học Đường là một chương trình lý thú và hấp dẫn mà tôi đã đúc kết được từ những phương pháp học tập lĩnh hội từ những người thầy nổi tiếng trên thế giới như: Tony Buzan, Dominic O’Brien, Biswaroop, Erant Katz… Chính các phương pháp đầy kinh nghiệm và sáng tạo đã giúp tôi chinh phục thành công các Kỷ lục Siêu trí nhớ Việt Nam, Kỷ Lục Siêu trí nhớ thế giới giúp cho con tôi học tập nhẹ nhàng và các học trò của tôi có cơ hội tỏa sáng tại các cuộc thi: Siêu trí tuệ, Siêu tài năng nhí, Siêu trí nhớ trong nước và quốc tế. Chương trình cũng giúp cho hàng trăm ngàn bạn trẻ khắp nơi biết cách học nhanh, nhớ lâu. Bây giờ thì đến lượt con bạn rồi đó. Hãy nhanh chóng tạo điều kiện cho cháu sở hữu ngay những phương pháp học tập tuyệt vời để việc thu nhận kiến thức trở nên đơn giản, nhẹ nhàng hơn”

Published by
Nguyễn Phùng Phong

Recent Posts

Tổng hợp 3+ cách chụp màn hình laptop HP đơn giản, nhanh chóng

Cách chụp màn hình laptop HP là một thông tin vô cùng hữu ích đối…

14 phút ago

Cách gỡ chặn khi bị người khác chặn Messenger hiệu quả!

Trong một ngày không mấy dễ chịu, bạn nhận ra bạn đã bị bạn bè…

29 phút ago

Cách lấy link bài viết, trang cá nhân, fanpage trên Facebook bằng điện thoại và máy tính đơn giản

Facebook là một trong những nền tảng mạng xã hội được sử dụng ưa chuộng…

44 phút ago

Hướng dẫn cách bấm máy tính sin cos tan lớp 9

Việc được sử dụng máy tính để tính những phương trình, hàm số hay tổ…

59 phút ago

Nguyên nhân cổng sạc điện thoại bị dính nước và cách khắc phục

Thông thường, các nhà sản xuất Smartphone sẽ trang bị cho sản phẩm của mình…

1 giờ ago

Cách xem những người bạn đã chặn (block) trên Facebook

Trong khi sử dụng Facebook, đôi lúc bạn có thể gặp phải những người mà…

1 giờ ago